Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2007

CHUYỆN TÂM LINH

Rằm tháng giêng, chuyện tâm linh!

Ngay từ hồi bé tí, anh Hai tôi đã được ông chú họ - một nhà Nho nghiên cứu Kinh Dịch, chép miệng phán: “Thằng này yểu mạng. Chỉ sống vắn tới 26 tuổi!”. Cuộc sống bề bộn trôi qua, lời nói nghiệt ngã đó cũng phai nhạt theo. Anh Hai lớn lên đẹp trai, cao to và mạnh mẽ. Như những công dân tới tuổi đi lính trong chế độ VNCH, anh trúng tuyển vào không quân trở thành phi công – một binh chủng dường như chỉ dành cho đàn ông đạt chuẩn lý tưởng của … các cô gái. Trẻ trung, bảnh bao, tài hoa là thế. Ngày nọ ông chú đến nhà chơi, nhìn anh ông nhắc lại câu nói năm xưa và bảo: “Vẻ mặt mày trông xấu lắm, trong suốt tuần này đừng có đi đâu ra khỏi nhà!”. Anh Hai tôi lúc đó đã cười giễu cợt ông chú ngớ ngẩn. Hai ngày sau, có người bạn bị bệnh đột xuất nhờ anh vào đội bay giúp. Lẽ ra có thể từ chối vì đang kỳ nghĩ phép của mình, nhưng anh Hai đã nhận lời. Chuyến bay chở lương thực tiếp viện của anh bị lạc đạn rơi tại Đồng Tháp. Anh chết mất xác, năm đó vừa tròn 26 tuổi. Tôi chỉ được nhìn thấy di ảnh và hộp đựng hài cốt tượng trưng thờ anh Hai, hiện còn gửi ở chùa Vĩnh Nghiêm. Cái chết của anh Hai và lời phán truyền ngày xưa thường được kể trong gia đình như một câu chuyện tâm linh, thuộc dạng điển hình …

Ở khuôn viên Hội Âm nhạc Thành phố (81 – Trần Quốc Thảo Q.3) có cây da sống trên trăm tuổi. Không biết một ngày nọ nổi hứng sao mà có 7 nhạc sĩ trong BCH Hội ngồi họp lại bàn bạc và thống nhất nhổ bỏ cây da đó đi cho thoáng đãng. Ý định nghe ra cũng tốt!

Đó là vào những năm cuối thập niên 80 hay sao đó, chừng là vậy. Kể từ khi cây da bị đốn, các vị ấy từng người một cũng lần lượt ra đi: NS Truơng Quốc Khánh (tác giả Tự nguyện) anh chết lúc ấy khá trẻ, chỉ trên 40. Rồi là NS Ngô Huỳnh (tác giả Con kênh xanh xanh), NS Xuân Hồng (tác giả Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh), rồi cả NS Trịnh Công Sơn…Tôi không nhớ đủ hết, nhưng chuyện này luôn được nhắc đến trong các buổi trà dư tửu hậu giới nhạc sĩ.

Đi đến các tụ điểm ca nhạc, nếu vào từ cửa sau thì sẽ thấy: đập vào mắt đầu tiên là bàn thờ tổ, đặt ngay cửa đi ra sân khấu. Tối nào trước giờ diễn cũng khói hương nghi ngút. Các ca sĩ đứng đợi tới phiên mình, hay đến chấp tay lâm râm cầu nguyện, còn cầu gì thì tôi…bó tay. Hàng năm giới này giỗ quảy rất hoành tráng, nhưng tất nhiên - rất nhiều ca sĩ cầu líu lưỡi, cầu cũng chân thành lắm mà đâu phải ai cũng thành ngôi sao được.

Cũng như những người từng tiếp nhận nhiều nền giáo dục tiến bộ, tôi sống không duy tâm. Hay thờ ơ và từ chối với mấy lời rủ rê đi coi bói, coi thầy của bạn bè mình. Nhưng đúng là các câu chuyện như thế thường mang đến nỗi ám ảnh khôn cùng. Lúc nhỏ đọc Tam Quốc Chí, gấp sách tôi lại chỉ ấn tượng mỗi câu nói của Khổng Minh: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên…” . Tôi vẫn luôn muốn hiểu theo nghĩa tích cực của phân nửa câu: "Thành sự tại Nhân!", nhưng đúng là cuộc sống xung quanh đầy dẫy những câu chuyện tâm linh như thế…

HƯƠNG TRÀ

Không có nhận xét nào: